Thứ Sáu, Tháng 5 9, 2025

Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 chi bộ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Ngày 29 tháng 12 vừa qua, tại trụ sở 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Chi bộ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đảng năm 2020 đồng thời đề ra phương hướng và nhiệm vụ cho năm mới 2021 do đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Bí thư Chi bộ chủ trì hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả lãnh đạo của cấp uỷ chi bộ, về việc lãnh đạo chi bộ, chính quyền trong việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Kết quả tổ chức thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Về dự hội nghị có đồng chí Đỗ Tiến Dũng, Uỷ viên BCH Đảng ủy Bộ KH&CN, phụ trách khối các Quỹ khoa học, cùng các Đảng viên trong chi bộ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Phượng – Bí thư chi bộ đã báo cáo đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của chi bộ năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Năm 2020 và cả những năm 2018, 2019, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng các các văn bản mới và xin ý kiến của các bộ ban ngành để trình Thủ tướng Chính phủ để ra Điều lệ hoạt động mới cũng như xử lý và thanh quyết toán các nhiệm vụ đã được ký hợp đồng. Tuy nhiên, tập thể chi bộ quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia vẫn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ và Chi bộ, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đảng viên trong Chi bộ luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo điều hành của Chi ủy, lãnh đạo Quỹ, sinh hoạt chi bộ định kỳ thường xuyên và luôn có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Về công tác chuyên môn, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ xem xét, tài trợ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội. Báo cáo cũng nêu ra những ưu và nhược điểm trong năm qua của chi bộ Quỹ. Về phương hướng và nhiệm vụ trong thời gian tới, Chi ủy cũng đã đề ra phương hướng cũng như chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện. Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2021.

Cũng tại hội nghị, Chi ủy đã có báo cáo kết quả hoạt động và kiểm điểm của Chi uỷ năm 2020, đồng thời nghiêm túc đánh giá những hoạt động đã đạt được, những mặt hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Các ý kiến tham luận tại hội nghị và ý kiến chỉ đạo của đại diện Đảng uỷ Bộ KH&CN giúp chi bộ Quỹ có những định hướng rõ hơn các hoạt động trong thời gian tới. Sau gần 2 giờ làm việc, Hội nghị tổng kết chi bộ năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của chi bộ Quỹ ĐMCNQG đã thành công tốt đẹp và đã đánh giá đầy đủ những mặt hoạt động của chi bộ. Các phương hướng, nhiệm vụ của năm 2021 đã được toàn Hội nghị thống nhất thông qua nhằm thúc đẩy các hoạt động của Chi bộ đạt được kết quả tốt trong thời gian tới

Hội thảo khoa học: “Chính sách và xu hướng hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo”

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Nó đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Cho đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều tên gọi khác nhau.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, vào ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết Số 52-NQ/TW về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hai yếu tố quan trọng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là: (1) Đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ; (2) và áp dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, sáng tạo ra những mô hình kinh doanh mới mang lại giá trị gia tăng cao, tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế – xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Hơn 98% số doanh nghiệp của nước ta là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, hấp thụ, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Chính vì vậy, để Nghị quyết số 52-NQ/TW của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống, điểm mấu chốt, cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết là cần có những chính sách hiệu quả, cụ thể, sát với thực tiễn để thúc đẩy phát triển KH&CN, và hỗ trợ có trọng tâm và trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tích cực tham gia đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Với tinh thần đó, ngày 06 tháng 11 năm 2020 tại Trụ Sở của Bộ Khoa học và Công nghệ, 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Chính sách và xu hướng hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo”

TS. Nguyễn Đình Bình phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo diễn ra với mục đích trao đổi, chia sẻ và tìm hiểu các kinh nghiệm về hoạt động hỗ trợ tín dụng, bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ, các quỹ tài chính như Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo vệ môi trường…

Tham dự hội thảo có PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân-Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo, Tập đoàn VinGroup và các đại diễn lãnh đạo của các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu và Trường đại học …. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, có Ông Phan Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ ĐMCNQG, TS. Nguyễn Đình Bình, giám đốc Quỹ ĐMCNQG; TS. Phạm Đình Nguyên, Phó giám đốc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (NAFOSTED), và các phó giám đốc cùng đại diện các phòng chức năng của Quỹ ĐMCNQG và Quỹ NAFOSTED. Ngoài ra, hội thảo cũng thu hút được rất đông các tổ chức, cá nhân, các bộ ban nghành tới dự và các doanh nghiệp đang có nhiệm vụ tham gia với Quỹ, các doanh nghiệp quan tâm có nhu cầu đổi mới công nghệ.

Hội thảo được chia làm 2 phần chính; phần thứ nhất là các báo cáo trình bày, chia sẻ các kinh nghiệm về tài trợ, hỗ trợ vốn, cho vay vốn của các tổ chức đổi mới sáng tạo nước ngoài, của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup. Các bài tham luận cũng chia sẻ về mô hình quản lý, cơ chế chính sách và chế độ cho cán bộ, công nhân viên của các mô hình Quỹ, tổ chức hỗ trợ tín dụng, cách thức hợp tác với các Ngân hàng thương mại để triển khai các chương trình Uỷ thác cho vay, hỗ trợ lãi suất vay. Phần 2 của hội thảo là trao đổi thảo luận giữa các diễn giả với các đại biểu đến từ các tổ chức viện trường, doanh nghiệp.

Một số hình ảnh hội nghị:

 

Hội thảo Nâng cao năng lực cho các cơ quan tài trợ thúc đẩy đổi mới theo kinh nghiệm của IPP

Ngày 23 tháng 1 năm 2018 tại trụ sở chính Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Nâng cao năng lực cho các cơ quan tài trợ thúc đẩy đổi mới theo kinh nghiệm của IPP”. Đây làm một trong những hoạt động trong khuôn khổ chương trình IPP (Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP)), với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao tri thức, mô hình và quy trình tài trợ và hỗ trợ đổi mới sáng tạo đến các đơn vị của Việt Nam.
Đến dự Hôi thảo về phía khách mời có hai diễn giả là Bà Kati Lahtinen, Cố vấn cao cấp, Cơ quan tài trợ Business Finland, chuyên gia IPP; Bà Silja Leinonen, CEO, Chuyên gia tư vấn phát triển và thương mại quốc tế, AO Impact Oy, Chuyên gia IPP; về phía Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có Ông. Phan Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ; Bà Nguyễn Thị Phượng Phó Giám đốc, Ông Nguyễn Thành Huy, Phó giám đốc cùng toàn thể cán bộ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tham dự.

Nội dung của hội thảo tập trung vào các vấn đề:

Tìm hiểu chính sách tài trợ/hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp của một số tổ chức thúc đẩy và tài trợ đổi mới sáng tạo của Phần Lan như Business Finland, Tekes;

Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình, quy trình tài trợ của Phần Lan và áp dụng vào Việt Nam thông qua chương trình IPP;

Thực hành các công cụ quản lý và điều phối các chương trình tài trợ đổi mới sáng tạo của IPP.

Đây là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa đối với Quỹ trong việc thúc đẩy các hoạt động các hoạt động hỗ trợ, tài trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển năng lực về chính sách đổi mới và quản lý các chương trình nghiên cứu và phát triển.

Trong hai ngày 4 – 5/4 tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) đã phối hợp cùng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI), và Mạng lưới hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa Đông Nam Á và Châu Âu (SEA – EU – Net) tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển năng lực về chính sách đổi mới và quản lý các chương trình nghiên cứu và phát triển”.

Tham dự Hội thảo có Ông Phan Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý NATIF, Ông Nguyễn Đình Bình – Giám đốc Quỹ NATIF, Ông Đào Mạnh Thắng – Cục phó Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc Quỹ NAFOSTED, cùng đại biểu đến từ các đơn vị Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược chính sách KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ, Văn phòng hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ KH&CN, các cơ quan truyền thông báo chí và 04 chuyên gia từ SEA – EU – Net. Hội thảo cũng có sự tham gia của 02 khách mời đến từ Bộ khoa học và công nghệ Phi-líp-pin.

Mở đầu Hội thảo, Ông Đỗ Tiến Dũng Giám đốc CQĐH Quỹ NAFOSTED phát biểu khai mạc. Ông Dũng trình bầy tóm tắt về mục tiêu và chương trình của Hội thảo. Trong hai ngày, các diễn giả đến từ 7 tổ chức sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như chính sách đổi mới công nghệ của Châu Âu và Châu Á, các chỉ tiêu đánh giá công nghệ tại Việt Nam, các hoạt động đổi mới công nghệ…

Cụ thể, trong sáng ngày Hội thảo thứ nhất, ông Alex Degelsegger, đại diện ZSI trình bày về một số bài học trong chính sách và công cụ đổi mới tại Liên minh Châu Âu (EU) và Đông Nam Á (ASEAN). Ông Đào Mạnh Thắng, đại diện NASATI trình bày về chỉ số đổi mới sáng tạo và kết quả đầu ra của khoa học tại Việt Nam. Ông Svend Otto Remoe, đại diện RCN trình bày về các điều kiện khung của đổi mới (tổng quan, hội nhập kinh tế, MTA, mua sắm công). Vào buổi chiều, ông Alex Degelsegger tiếp tục trình bầy về sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ. Phần trình bầy này thì hút rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là các vẫn đề liên quan đến bằng sáng chế tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Tại buổi làm việc thứ hai, Bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Giám đốc Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) có bài mở đầu khai mạc buổi làm việc. Tiếp theo, ông Christoph Elineau – đại diện DLR trao đổi về chương trình hợp tác đồng tài trợ nghiên cứu đổi mới sáng tạo JFS với sự tham gia của các tổ chức tài trợ Châu Âu và Đông Nam Á. Tiếp sau bài phát biểu của ông Elineau, Bà Nguyễn Thị Mai, đại diện NATIF giới thiệu về các chương trình tài trợ của NATIF. Ông Rudie Trienes, đại diện KNAW trao đổi cụ thể về các quy trình cụ thể khi mời gọi hồ sơ, mục tiêu, hướng dẫn cụ thể về ngành và chủ đề cho các nhà khoa học trong việc nộp hồ sơ, cách thành lập quy chế cho việc gọi hồ sơ, thiết kế quy trình gọi hồ sơ cụ thể. Vào buổi chiều, Đại diện NAFOSTED, Ông Phạm Đình Nguyên và Bà Trương Thị Thanh Huyền chia sẻ thông tin về quy trình đánh giá xét chọn hồ sơ đề nghị tài trợ cũng như quá trình quản lý đề tài của NAFOSTED.

Bế mạc hội thảo, ông Phạm Đình Nguyên – Phó Giám đốc Quỹ NAFOSTED cảm ơn các chuyện gia và các đại biểu đã tham dự hai ngày hội thảo vừa qua. Ông đánh giá các các chia sẻ đóng góp từ phía các chuyên gia nước ngoài cũng như các câu hỏi trao đổi được đặt ra trong suốt hai ngày vừa qua.

Ban hành Quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

Thông tin văn bản:

Số/ ký hiệuQĐ 59/QĐ-NATIF-HĐQL
Về việc/ trích yếuBan hành Quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia
Ban hành11/11/2016
Tải vềTập tin

Ban hành Quy định tạm thời về tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

Thông tin văn bản:

Số/ ký hiệuQĐ 60/QĐ-NATIF-HĐQL
Về việc/ trích yếuBan hành Quy định tạm thời về tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia
Ban hành22/12/2015
Tải vềTập tin

Ban hành Quy định xét chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

Thông tin văn bản:

Số/ ký hiệuQĐ 05/QĐ-NATIF
Về việc/ trích yếuBan hành Quy định xét chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia
Ban hành05/01/2015
Tải vềTập tin

Quyết định thành lập quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

Thông tin văn bản:

Số/ ký hiệuQĐ 1324/QĐ-TTg
Về việc/ trích yếuThành lập quỹ đổi mới công nghệ quốc gia
Ban hành05/8/2011
Tải vềTập tin