Số 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

024 3943 71 30

natif@most.gov.vn

Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Nhằm khai thác tốt các tiềm năng phát triển và tận dụng các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, TP Hồ Chí Minh đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên tinh thần đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Khai thác tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) các quốc gia năm 2022 do Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu – StartupBlink công bố, TP Hồ Chí Minh đang tiến gần vào Top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động toàn cầu, hiện Thành phố đang ở vị trí 179.

Theo đánh giá của các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành thành phố khởi nghiệp. Thành phố được xem là trung tâm kinh tế lớn cả nước, có lịch sử phát triển kinh tế lâu đời, tư duy và văn hóa kinh doanh của người dân thành phố đã được xác lập từ lâu. Thành phố có vị trí địa lý thuận lợi,  được xem như “trái tim” của miền Nam, dễ dàng kết nối với các khu vực trong vùng bằng nhiều tuyến giao thông huyết mạch như đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không. TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động lớn nhất cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ. Theo số liệu thống kê số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 50% cả nước.

 Trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP  Hồ Chí Minh năm 2022 (I-Star 2022). Ảnh: Vũ Phong 

Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2025. Theo kế hoạch triển khai Đề án, TP Hồ Chí Minh hướng tới đạt được mục tiêu hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngang tầm khu vực. Đồng thời, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó phát triển các sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 – 50%.

Để đạt mục tiêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ chính gồm: phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của TP, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ tạo động lực mạnh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đưa hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào nhóm 5 hệ sinh thái dẫn đầu cả nước

Triển khai các nội dung của Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2025, năm 2022, tiếp tục ghi nhận những thành tựu nổi bật của cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh. Mặc dù vừa vượt qua đại dịch nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã khôi phục các hoạt động. Các sự kiện của cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh diễn ra hết sức sôi động. Trên tinh thần đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp nâng cao hơn nữa chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, UBND TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tháng 10 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề chính Chuyển đổi số – Động lực mới cho sự phát triển của Thành phố. Chương trình nhằm tổng kết hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số của cộng đồng trên địa bàn; đồng thời kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận, đơn vị trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra trong suốt chương như: các hoạt động triển lãm Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số, triển lãm sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) chuyển đổi số, Tech4life – Công nghệ cho cuộc sống, triển lãm sản phẩm của các tập đoàn lớn của gần 200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước và một số nước lân cận, Hội thảo khoa học: “Chính sách cấp cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”…

Trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo & chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh năm 2022. Ảnh: Lê Quang

Phát biểu nhân sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh năm 2022 thể hiện mong muốn của chính quyền TP Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, là một trong các nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Chương trình Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh năm 2022 không chỉ mang đến thông điệp về vai trò của nhà nước về kiến tạo, mà còn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác và chia sẻ trong hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Mới đây nhất, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đưa hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thành phố thuộc nhóm 5 hệ sinh thái dẫn đầu cả nước. Đảm bảo chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách của thành phố. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP. Hỗ trợ ít nhất 2 tổ chức khoa học và công nghệ tiếp cận trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế. Mặt khác, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng từ 8% – 10% hằng nằm; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 35% trong tổng số doanh nghiệp…

Để thực hiện mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đột phá nhằm tạo động lực cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mọi thành phần xã hội tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo thành phố. Trong đó, tổ chức triển khai thực hiện dự án của Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghĩa đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025. Phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ thành chủ thể nghiên cứu mạnh; phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…/.

Hải An (th)

Những bài viết liên quan

Tin mới nhất