Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức tổng kết Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2021. Các đề tài, dự án thuộc Chương trình đang góp phần giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, từ đó cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân…
Để thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Đây là chương trình khoa học công nghệ đặc thù, có mục tiêu, nội dung bao trùm hầu hết các lĩnh vực phát triển nông thôn, thuộc nhiều chuyên ngành khoa học công nghệ, phạm vi nghiên cứu trải rộng trên địa bàn nông thôn toàn quốc, tác động đến nhiều đối tượng, trung tâm là nông dân…
Nhiều mô hình hiệu quả
Nhìn lại quá trình triển khai Chương trình, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng NTM cho biết Chương trình trong giai đoạn II (2016 – 2020) đồng thời thực hiện 2 năm chuyển tiếp (2016 – 2017) để hoàn thành và nghiệm thu các đề tài, dự án của giai đoạn I, tổng kết đánh giá giai đoạn I và lồng ghép tổ chức triển khai giai đoạn II (2016 – 2020). “Mặc dù kế thừa giai đoạn I, nhưng mục tiêu và nội dung giai đoạn này được điều chỉnh theo hướng nâng cao, tập trung vào những yêu cầu mới, cao hơn của xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020”, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong khuôn khổ Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn II, đã có trên 70% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành với 80 bộ tài liệu hoặc sổ tay hướng dẫn; 152 bài báo khoa học. 100% các nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, đưa vào thực tế xây dựng NTM.
Hầu hết các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều có doanh nghiệp đầu tư (vốn đối ứng); trên 60% mô hình có triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đối với nhóm sản phẩm chủ lực các cấp. Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền. Phần lớn các mô hình sản xuất đều tăng được hiệu quả từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 20% trong phạm vi dự án…
Với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung… Trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30 – 35% đối với rau màu, 10 – 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 – 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất. Trong chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng.
Mô hình trồng mận tại phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ nhìn từ trên cao.
Nghiên cứu cần đi đôi với thực hành
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố khoa học công nghệ. Tuy nhiên, Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng NTM vẫn có những đề tài, dự án còn tản mạn, chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách; rất ít đề tài nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở các vùng NTM …
Về việc thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các đề tài khoa học cần có tính thực tế, khả thi và được quảng bá tạo hiệu ứng lan tỏa khi chuyển giao đến người dân. Các nhà khoa học không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ thông qua các đề tài mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết, kỹ năng cho nông dân, giúp nông dân tăng năng suất lao động, tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn.
Ông Lê Minh Hoan cũng bày tỏ băn khoăn khi hiện nay, các bước xây dựng, xét duyệt đề tài đang mất rất nhiều thời gian. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM xây dựng danh sách đề tài trước, sau đó trao đổi, bàn bạc, rút gọn và thực hiện các bước tiếp theo để rút ngắn thời gian thực hiện đề tài.