Chủ Nhật, Tháng Một 12, 2025

Ðể doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 04/2021/QÐ-TTg, về Ðiều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia (gọi tắt là Quỹ). Ðây là hành lang pháp lý để Quỹ tiếp tục hoạt động sau khi tạm dừng vào đầu năm 2018.

Ði vào hoạt động từ năm 2015, chỉ sau ba năm, Quỹ đã tiếp nhận gần 1.000 đề xuất, ý tưởng từ các doanh nghiệp tại 35 tỉnh, thành phố trong cả nước; tư vấn, phân loại và đánh giá 300 dự án có tính khả thi cao. Tiến hành xét chọn 184 dự án, đã phê duyệt và ký hợp đồng tài trợ 27 dự án với tổng kinh phí 1.050 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 268 tỷ đồng, đóng góp của doanh nghiệp 782 tỷ đồng. Quỹ đã huy động hơn 600 lượt chuyên gia tham gia trợ giúp, tư vấn cho các doanh nghiệp tìm kiếm, đánh giá, khai thác công nghệ. Các nhiệm vụ được tài trợ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội. Ðồng thời đã hỗ trợ đổi mới công nghệ, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, giảm phụ thuộc vào các công nghệ nhập khẩu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, do thiếu thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với hoạt động tín dụng khiến Quỹ chưa triển khai được hoạt động hỗ trợ tín dụng (cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn); thiếu đồng bộ giữa Luật Ngân sách Nhà nước và cơ chế của Quỹ quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Quỹ. Theo Ðiều lệ mới, Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Vốn điều lệ của Quỹ được ngân sách nhà nước cấp, nâng lên từ 1.000 tỷ lên 2.000 tỷ đồng và các nguồn vốn khác để thực hiện chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

Theo nhiều chuyên gia, nguồn vốn điều lệ của Quỹ hiện nay khá lớn. Thông qua việc hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ vốn, sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước là lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang sử dụng công nghệ lạc hậu, và có nhu cầu đổi mới công nghệ. Do vậy, Quỹ được kỳ vọng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, giải quyết vướng mắc về thủ tục trong các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với ngành khoa học – công nghệ.

Tuy nhiên, thách thức đối với Hội đồng quản lý Quỹ là triển khai hoạt động hỗ trợ tín dụng với độ phức tạp cao nhưng phải đáp ứng nhanh nhu cầu của doanh nghiệp. Trước đây, vốn điều lệ được sử dụng để vừa tài trợ, vừa hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, nhưng hiện nay chỉ được sử dụng để cho doanh nghiệp vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn. Hoạt động tài trợ sử dụng từ nguồn vốn khác. Ðể Quỹ hoạt động hiệu quả với đầy đủ các chức năng được quy định, Nhà nước cần cấp vốn điều lệ nhanh chóng và đầy đủ. Qua các năm trước đây cho thấy, ngân sách nhà nước đều không cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ. Việc cấp vốn nhỏ giọt sẽ không đem lại hiệu quả hỗ trợ tài chính khi doanh nghiệp đổi mới công nghệ cần vay vốn ở mức cao, đáp ứng vốn tức thời để nắm bắt thời cơ kinh doanh. Ðồng thời, vai trò, chức năng của Quỹ là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ cũng không phát huy được trên thực tế.

Theo một kết quả điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, sau đó mới đến nguồn vốn vay. Các doanh nghiệp chưa tích cực huy động vốn hỗ trợ từ Nhà nước và các nguồn khác do thiếu thông tin. Không ít doanh nghiệp không biết đầu mối để kết nối, tiếp cận các hình thức hỗ trợ từ các nguồn của Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia cần góp phần giải quyết bất cập nêu trên. Nhiều địa phương và doanh nghiệp cho rằng, giai đoạn tới, Quỹ cần có cơ chế tiếp cận thông thoáng, nhanh gọn, đơn giản trên cơ sở công khai thủ tục, điều kiện, đối tượng cho vay để nhiều doanh nghiệp biết thông tin, đồng thời cần minh bạch trong tổ chức xét chọn nhiệm vụ, dự án, tránh gây phiền hà, nản lòng cho doanh nghiệp. Cần có các kênh thông tin ở các địa phương để nắm được thực lực, khả năng phát triển của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ tài chính hiệu quả, đúng đối tượng, vừa bảo toàn vốn của Quỹ.

Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, kỹ năng xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ có hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước nhằm đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.

SourceHà Linh

Những bài viết liên quan

Tin mới nhất